Nét văn hóa “Cội nguồn Việt” trong Khu đô thị sinh thái phía Tây Thuận Thành

24/05/2021 08:30 Số lượt xem: 673
Thuận Thành là vùng đất có bề dày truyền thống, giàu giá trị lịch sử, văn hóa. Trên bước đường phát triển, địa phương luôn kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, thể hiện khá rõ nét trong hoạt động quy hoạch và đầu tư xây dựng. Điển hình là đồ án quy hoạch phân khu của Khu đô thị sinh thái phía Tây Thuận Thành với những phác họa đặc trưng nét văn hóa “Cội nguồn Việt”.

Lăng Kinh Dương Vương là một trong những di tích lịch sử văn hóa tạo sự kết nối các công viên chuyên đề của khu đô thị sinh thái.

 

Theo các chuyên gia quy hoạch cũng như kỳ vọng của lãnh đạo địa phương, việc quy hoạch Khu đô thị sinh thái phía Tây Thuận Thành nhằm hình thành khu đô thị đa chức năng quy mô cấp vùng tỉnh; diện tích gần 770 ha thuộc các xã Đại Đồng Thành, Song Hồ và Đình Tổ, quy mô dân số khoảng 35.000 người. Với tính chất cốt lõi là khu đô thị sinh thái, du lịch văn hóa “Cội nguồn Việt” bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa địa phương, từ đó kết nối các di tích văn hóa lịch sử trong tỉnh để khai thác du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thuận Thành và của tỉnh. Ngoài ra, đây còn là khu nhà ở hiện đại với đầy đủ các dịch vụ tiện ích, thân thiện với môi trường, đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển du lịch.
Điểm nổi bật của khu đô thị du lịch văn hóa “Cội nguồn Việt”, là việc quy hoạch các khu chức năng gắn với truyền thuyết Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân - Âu Cơ, con rồng cháu tiên và các đời Vua Hùng... tạo thành khu đô thị có bản sắc riêng về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam gắn kết với Khu di tích lịch sử văn hóa Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương có diện tích khoảng 154,33ha giáp sông Đuống, là khu du lịch, văn hóa lễ hội của nhân dân địa phương.
Ngoài ra còn có khu công viên chuyên đề lịch sử, văn hóa có tổng diện tích khoảng 89,03ha, được kết nối không gian và giao thông bằng tuyến đường du lịch “Tản Viên” theo dòng thời gian qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Điểm khởi đầu là công viên Hồng Bàng, diện tích khoảng 6,13ha tại cửa ngõ của khu đô thị. Cách bài trí ở đây tái hiện quá trình con người thượng cổ và các nền văn hóa thuộc thời đại đồ đá cũ, đồ đá mới, đồ đồng, đồ sắt. Trong đó, điểm nhấn bao trùm là tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tiếp đến là công viên Văn Lang, diện tích khoảng 8,72ha tại khu vực phía bắc của TL 282B với hệ thống cây xanh, mặt nước kết nối với công viên liền kề, có ý tưởng gắn với thời kỳ cổ đại tái hiện lịch sử văn hóa các thời đại vua Hùng, An Dương Vương, các truyền thuyết Thánh Gióng, Mỵ Châu - Trọng Thủy... Nổi bật là 18 bức tượng vua Hùng bố trí dọc theo chiều dài công viên, các phù điêu, nhóm tượng về sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thánh Gióng.
Công viên Đại Việt, diện tích khoảng 19,31ha tại khu vực giáp khu dân cư thôn Đồng Văn, Đồng Đoài (xã Đại Đồng Thành) với ý tưởng tái hiện lại thời kỳ lịch sử của dân tộc qua gần 1000 năm Bắc thuộc và các triều đại phong kiến Việt Nam. Bằng cách sắp xếp khoa học, lựa theo dòng chảy thời gian, công viên minh họa sinh động các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ đất nước, với các vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... và tượng đài chiến thắng giặc Nguyên Mông là điểm nhấn. Công viên Hoà Bình, diện tích khoảng 5,81ha có ý tưởng tái hiện lại các sự kiện lịch sử của đất nước từ năm 1945 đến nay, điểm nhấn là khu quảng trường đại đoàn kết, tượng đài đất nước thời đại Hồ Chí Minh và khu vườn tượng danh nhân Việt Nam. Công viên Kinh Bắc, diện tích khoảng 16,17ha có ý tưởng tái hiện lịch sử và văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc như: Truyền thống khoa bảng, tranh dân gian Đông Hồ, Dân ca Quan họ, các làng nghề truyền thống (gốm Phù Lãng, đồng Đại Bái, gỗ Đồng Kỵ,…) và tái hiện các công trình kiến trúc cổ đặc trưng của tỉnh Bắc Ninh. Lớn nhất là công viên văn hóa “Cội nguồn Việt” với diện tích khoảng 32,89ha là công viên trung tâm của đô thị kết hợp với hồ cảnh quan hình chữ “Nhân” diện tích khoảng 14,92 ha. Công viên có ý tưởng khai thác, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; các sự kiện, chương trình nghệ thuật, diễn thực cảnh về truyền thống lịch sử; các trò chơi dưới nước…Điểm nhấn là quảng trường “Cội nguồn Việt” có bố trí  tượng Kinh Dương Vương.
Bên cạnh yếu tố văn hóa, để làm nổi bật tiêu chí sinh thái của khu đô thị, đồ án quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan theo hướng giảm mật độ xây dựng và nâng cao hệ số sử dụng đất của các khu công viên, cây xanh, diện tích mặt nước. Các công viên được kết nối không gian sinh thái bằng hệ thống cây xanh liên hoàn, mặt nước kết hợp hài hòa các công trình vui chơi giải trí, khu sinh hoạt chung tạo thành không gian mở trong khu đô thị. Tin rằng, trong tương lai không xa, khi đồ án bước vào giai đoạn đầu tư xây dựng, các công trình văn hóa “Cội nguồn Việt” sẽ kết hợp với di tích lịch sử văn hóa đang hiện hữu trên vùng đất Thuận Thành trở thành điểm tham quan lý thú, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc cho người dân địa phương và du khách.

 
Nguồn: Báo Bắc Ninh